BÁO CÁO THAM LUẬN
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với phát triển doanh nghiệp
( Do liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tổ chức ngày 31/05/2017)
Chủ đề: ” Khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch gắn với phát triển doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Với những nội dung sau:
Người tham luận: Ông Hoàng Chí Thức – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn la
Trong những năm gần đây, du lịch ngày càng trở thành một hiện tượng kinh tế – xã hội phổ biến, khi đời sống người dân dần được cải thiện, nhu cầu đi du lịch cũng tăng lên, nó trở thành tiêu chuẩn để đánh giá mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Mười lăm năm qua, ngành Du lịch nước ta đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, ngành du lịch đã đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP.
Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế, ngày 16/1/2017 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó khẳng định: Du lịch là ngành tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Sơn La là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc là tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên để phát triển du lịch; được thể hiện trên các lĩnh vực:
Về văn hóa: Tỉnh Sơn La với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán riêng; với nhiều bản sắc đa dạng, phong phú, như văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, văn nghệ truyền thống; các phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất tạo nên những nét văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc mà du khách có thể khám phá trải nghiệm, là nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú để phát triển du lịch cộng đồng;
Về cảnh quan thiên nhiên: Sơn La nằm trên 2 cao Nguyên Mộc Châu và Cao Nguyên Nà sản với nhiều loại hình sinh thái khác nhau; đặc biệt Cao Nguyên Mộc Châu với độ cao trung bình 1.050m so với mặt biển, với những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu mà thiên nhiên ban tặng, đang từng bước phát triển những sản phẩm du lịch để trong tương lai sẽ trở thành khu du lịch quốc gia theo quyết định của Thủ tướng chính phủ; Cao nguyên Mộc Châu, Tà Xùa ( Bắc Yên), Ngọc Chiến ( Mường La) là vùng đất phù hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều sản phẩm đa dạng phong phú như chè, sữa, rau, hoa, quả;
Sơn La có 4 khu rừng đặc dụng với những cánh rừng nguyên sinh lưu giữ nhiều loài gen thực vật và nhiều loài động vật quý hiếm; cánh rừng ” Ông Giáp” huyện Phù Yên là nơi dừng chân của Đại Tướng Võ Nguyên giáp cùng với đoàn quân khi trên đường lên đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng; những cảnh quan thiên nhiên chạy dài trên 300 km dọc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La gắn với những bản làng của người Thái, người Mường, Người Dao, người La Ha, Kháng, Khơ Mú sinh sống gắn với những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc là những điểm đến tham quan, khám phá trải nghiệm của du khách;
Về di tích, hang động và các công trình: Sơn La cũng là tỉnh có nhiều di tích, hang động và công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; như Nhà tù Sơn La – mới được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt; công trình thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia (quy mô lớn nhất Đông Nam Á); di tích cụm tượng đài Trung đoàn 52 Tây tiến, nơi tập kết dừng chân của các chiến sỹ Trung đoàn Tây tiến trước khi sang giúp cách mạng Lào vào những năm 1952; khu di tích cách mạng mạng Lào ( tại Bản Lao Khô – Yên Châu), biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào; cụm tượng đài Thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi, nơi diễn ra những trận đánh phá ác liệt của Thực dân pháp ngăn chặn đường chi viện cho chiến dịch Điện Biên phủ; Cầu Pá Uôn ( huyện Quỳnh Nhai) lập kỷ lục Ghi Nét ( với trụ cầu cao nhất cả nước); Đền thờ Vua Lê Thái Tông là di tích thời vua Lê trên đường lên dẹp giặc phương Bắc; Đền Nàng Han gắn với huyền thoại nữ chúa vùng Sông Đà; khu hang mộ táng ( thuộc xã Suối Bàng, huyện Vân hồ) là di tích mai táng của người tiền sử đã được công nhận là di tích cấp quốc gia; ngoài ra Sơn La còn nhiều hang động, suối khoáng và thác nước . . đó là những tiềm năng, là nguồn tài nguyên để Sơn La phát triển du lịch.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển du lịch, Ban Thường vụ tỉnh ủy khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trong đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2016, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết về bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển bản du lịch cộng đồng; các huyên, Thành phố cũng đã có những chủ trương, giải pháp nhằm phát triển du lịch trong những năm qua, nhất là huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ, Thành phố Sơn La, huyên Mường La . .
Sau khi được thành lập vào cuối năm 2013, từ đầu năm 2014 Hiệp hội Du lịch tỉnh đã đi vào hoạt động nhằm tập hợp hội viên, tổ chức tuyền truyền vận động và tư vấn cho các doanh nghiệp hội viên, trong việc phát triển dịch vụ du lịch;
Từ đó nhận thức về phát triển du lịch của các doanh nghiệp hội viên được nâng lên và đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đẩu tư phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch; có những doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển từ phát triển sản xuất sang đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch; nhiều doanh nghiệp đã ĐKDK mở thêm nghề kinh doanh dịch vụ du lịch; nhất là từ khi tỉnh ta tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đã tạo thêm lòng tin để các doanh nghiệp chuyển sang phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch.
Điển hình là trên địa bàn huyện Mộc Châu: Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng đã đầu tư xây dựng Khách sạn Sao xanh – Mộc Châu; Công ty CP Đầu tư xây dựng Mộc Châu đã đầu tư xây dựng Khách sạn Thảo Nguyên với quy mô 60 phòng và tiếp tục đầu tư xây dựng khu Thảo Nguyên Rersot diện tích trên 6 ha; với hệ thống dịch vụ bao gồm:100 phòng nghỉ, hội trường tổ chức sự kiện sức chứa gần 1000 người, cùng các hệ thống dịch vụ vui chơi giải trí khá đồng bộ; khách sạn Mường Thanh – Mộc Châu quy mô 170 phòng, đat tiêu chuẩn 5 sao; Công ty hoa cảnh Cao Nguyên từ chỗ chỉ trồng kinh doanh hoa Lan, đã gắn với đầu tư hệ thống nhà nghỉ, tạo nên điểm du lịch sinh thái cộng đồng trở thành điểm đến thu hút khách; HTX Hoa Mộc Châu đã chuyển từ trồng, kinh doanh các loài hoa sang đầu tư Nhà hàng Hoa Mộc Châu và nhà nghỉ cộng đồng với những dịch vụ trải nghiệm mang bản sắc văn hóa các dân tộc Mộc Châu; Khu Du lịch sinh thái Sơn Sao đã chuyển từ dự định phát triển chăn nuôi bò sữa sang xây dựng khu du lịch sinh thái, tạo điểm du lịch cộng đồng thu hút khách; Công ty chè Mộc Sương đã chủ động tạo ra những lô chè có hình dáng trái tim để thu hút khách đến tham quan trải nghiệm và hiện nay công ty đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà nghỉ sinh thái trên những lô chè là điểm đến hấp dẫn thu hút khách, nhất là du khách các tỉnh phía nam; Công ty CP giống Bò sữa Mộc Châu đã đầu tư trang trại Du lịch Bò sữa là điểm đến để du khách trải nghiệm, cùng với điểm bán hàng lưu niệm được tổ chức theo hình thức siêu thị mi ni đã tạo được niềm tin đối với du khách; Khu du lịch cộng đồng Arena Villge đã chuyển từ kinh doanh chế biến chè sang phát triển khu du lịch cộng đồng với nhiều loại hình dịch vụ trải nghiệm thu hút khách . . .và còn nhiều DN, gia đình đã và đang đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch; có thể nói trên địa bàn Mộc Châu các doanh nghiệp, tổ chức, gia đình đã và đang đầu tư phát triển kinh doanh du lịch với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú đã trở thành điểm đến thu hút khách nhất vào là những ngày cuối tuần;
Trên địa bàn Thành phố Sơn La, cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh du lịch, như: Công ty CP cơ khí Sơn La đã thành lập Trung tâm du lịch lữ hành với 15 xe trở khách cao cấp; đang đầu tư điểm du lịch tại đầu cầu pá Uôn ( Quỳnh Nhai) với 5 tàu du lịch, mô tô nước sẽ tạo ra tuyến du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La; Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Tùng đầu tư xây dựng Khách sạn Sao Xanh 3, để tạo ra chuỗi dịch vụ khách sạn từ Mộc Châu đến Sơn La mang tên Sao Xanh; Nhà hàng Suối hẹn, Trung tâm tổ chức sự kiện – Tiệc cưới lớn nhất tỉnh đang hoàn thiện giai đoạn 2; ngoài ra nhiều Doanh nghiệp như: Công ty CP du lịch Sơn La; Công ty CP du lịch khách sạn công đoàn; Khách sạn Hà Nội; Khách sạn Hương Sen 1, Hương Sen 2 đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị phòng nghỉ để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách;
Có Thể khẳng định rằng mấy năm gần đây du lịch Sơn La đã có bước phát triển rõ rệt và đat được những kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng; thể hiện rõ nhất là trên địa bàn Mộc Châu Lượng du khách đến với Mộc Châu không ngừng tăng: Năm 2014 ước đạt 700.000 lượt khách; năm 2015 ước đạt 750.000 lượt; năm 2016 ước đat: 1.050.000 lượt; doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2014 ước đạt: 480 tỷ đồng; năm 2015 ước đạt: 500 tỷ đồng; năm 2016 ước đạt: 945 tỷ đồng; về cơ sở lưu trú năm 2014 có 101 cơ sở với 897 phòng; năm 2015 có 125 cơ sở với 1.034 phòng; năm 2016 có 134 cơ sở với 1.242 phòng; Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng; số lượng doanh nghiệp du lịch ngày càng tăng; tạo thêm nhiều việc làm, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện, theo hướng phát triển các ngành dịch vụ làm trọng tâm; Mộc Châu đang từng bước trở thành điểm đến thu hút khách.
Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên du lịch; sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ thiếu tính hấp dẫn; chất lượng dịch vụ còn hạn chế, môi trường dịch vụ còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu; số doanh nghiệp du lịch chưa nhiều.
Tại hội thảo quốc tế bàn về giải pháp phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc, do BCĐ Tây Bắc; Bộ Văn Hóa Thể thảo và Du lịch; Bộ Ngoại giao tổ chức tại tỉnh Điện Biên; các đại sứ quán và chuyên gia du lịch quốc tế đã khuyến cáo: Nhà nước là cơ quan tạo môi trường kinh doanh du lịch ( như quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư kết cầu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch . . ), còn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mới là người trực tiếp đầu tư và kinh doanh phát triển sản phẩm du lịch.
Vì vậy để khuyến khích phát triển doanh nghiệp du lịch gắn với khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch của tỉnh; xin kiến nghị đề xuất với các cấp có thẩm quyền một vấn đề sau đây:
Đề nghị tỉnh nghiên cứu giảm tiền thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch cho phù hợp với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, để tạo điều kiện hỗ trợ cho DN phát triển;
Đề nghị điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất ( theo tỉnh thần NQ 08 của Bộ chính chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”
Đề nghị tỉnh tiếp tục cải cách hành chính trong việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến công tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, như thủ tục cấp phép xây dựng; các thủ tục về đất đai . . Các doanh nghiệp du lịch đề nghị các cơ quan chức năng cần khắc phục tình trạng giải thích nhiều nhưng giải quyết ít, làm cho DN phải đi lại nhiều lần;
Đề nghị tỉnh cần có quy định về cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiềm tra đối với các doanh nghiệp du lịch ( như tinh thần NQ 35 của Chính phủ đã quy định mỗi năm chỉ được thanh tra, kiềm tra một lần và không chồng chéo nhau); để khắc phục tình trạng hàng năm các doanh nghiệp du lịch phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra làm cho DN phải mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến thời gian quản trị điều hành của doanh nghiệp;
Trong tinh thần ( NQ 08 của Bộ chính trị) có nêu:
+ Tăng cường hợp tác công – tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch. Nhà nước ưu tiền bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến;
Các doanh nghiệp du lịch đề nghị hàng năm tỉnh cần dành một phần vốn hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch để đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế hợp tác: công – tư (nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đóng góp để tạo nguồn vốn đào tạo nguồn nhân lực phát triển cho du lịch), vì hiện nay tỉnh mới chỉ quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đối với các bản du lịch cộng đồng, mà chưa quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đào tạo nguồn nhân lực, theo cơ chế hợp tác Công – Tư ( mà tinh thần Nghị quyết 08 đã nêu); đề nghị tỉnh nghiên cứu thực hiện cơ chế việc gì doanh nghiệp làm hiệu quả, thì nhà nước nên giao nhiệm vụ và hỗ trợ một phần kinh phí để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện ( như công tác đào tạo nguồn nhân lực, công tác xúc tiến quảng bá điểm đến), mà hiện nay nhiều tỉnh đang thực hiện.