Đường dây nóng: 02123.789.393 - 035.550.1559

ĐIỀU LỆ HIỆP HỘI DU LỊCH TỈNH SƠN LA

ĐIỀU LỆ HIỆP HỘI DU LỊCH TỈNH SƠN LA

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

      Điều 1. Tên gọi

      Tên Việt Nam: Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La

      Tên tiếng Anh: SonLa Tourism Association

      Tên viết tắt: STA

      Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

      Hiệp hội Du lịch Sơn La là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của công dân, tổ chức, các doanh nghiệp trong ngành du lịch, thuộc các thành phần kinh tế, hoạt động không vì mục đích sinh lợi.

      Hiệp hội hoạt động với mục đích tập hợp, liên kết các hội viên để hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Sơn La và của cả nước đảm bảo quyền lợi của khách hàng, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

      Điều 3.  Địa vị pháp lý, trụ sở

      1. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

      2. Trụ sở của Hội đặt tại: Số 20 – Đường Hoàng Quốc Việt – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.

      Điều 4.  Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

      1. Hội hoạt động trên phạm vi trong tỉnh Sơn La, trong lĩnh vực du lịch.

      2. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

      Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

      1. Tự nguyện, tự quản.

      2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

      3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

      4. Không vì mục đích lợi nhuận.

      5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HIỆP HỘI

      Điều 6. Quyền hạn của Hiệp hội

      1. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm; hàng năm tổ chức gặp mặt khách du lịch để xúc tiến du lịch;

      2. Tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau giữa các hội viên trong hoạt động kinh doanh du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để thu hút khách du lịch; gắn kết văn hóa với phát triển du lịch;

      3. Tổ chức các hoạt động văn hóa, tham quan, tìm hiểu thị trường, tham gia hội chợ và các hoạt động giới thiệu sản phẩm của hội viên trong khu vực các tỉnh vùng Tây Bắc, trong nước và nước ngoài;

      4. Phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất; xây dựng và phát triển các mối quan hệ của Hiệp hội với các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị thế của Hiệp hội;

      5. Xuất bản các ấn phẩm, các tài liệu, mở trang Website để tuyên truyền quảng bá Văn hóa - Du lịch; phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của tỉnh Sơn La và của ngành về xây dựng và phát triển du lịch;

      6. Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên;

      7. Được thành lập các chi hội trực thuộc Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

      Điều 7. Nhiệm vụ Hiệp hội

      1. Tuyên truyền giáo dục để hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh Sơn La về xây dựng, phát triển du lịch; để hội viên đề ra định hướng, kế hoạch phát triển kinh doanh hiệu quả;

      2. Tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về danh lam thắng cảnh, con người, truyền thống văn hóa và lịch sử của tỉnh Sơn La với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến du lịch. Tham gia xây dựng chiến lược phát triển du lịch tỉnh Sơn La (khi được yêu cầu);

      3. Tập hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên để đề nghị với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh về những chủ trương, chính sách, biện pháp liên quan đến phát triển du lịch của tỉnh; tham gia giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của hội viên; thực hiện nghĩa vụ với nhà nước theo quy định của pháp luật;

      4. Hàng năm kết hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên các đơn vị thành viên Hiệp hội;

      5. Tư vấn hỗ trợ hội viên của Hiệp hội trong quá trình xắp xếp lại hoạt động kinh doanh; cung cấp thông tin về thị trường liên quan đến hoạt động du lịch để hội viên tổ chức kinh doanh hiệu quả.

 

Chương III

HỘI VIÊN HIỆP HỘI

      Điều 8.  Hội viên

      1. Hội viên chính thức:

      - Cá nhân, tổ chức pháp nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực du lịch và liên quan đến du lịch đóng trên địa bàn tỉnh Sơn La tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện có hồ sơ vào Hiệp hội, đóng tiền gia nhập và hội phí Hiệp hội đều có thể trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội;

      - Hội viên là tổ chức pháp nhân cử đại diện có thẩm quyền của tổ chức tham gia Hiệp hội, trong trường hợp người đại diện chuyển công tác hoặc vì lý do nào đó không thể tham gia Hiệp hội thì tổ chức đó phải cử người đại diện có thẩm quyền thay thế;

      2. Hội viên liên kết: Cá nhân, tổ chức pháp nhân Việt Nam hoạt động liên quan trực tiếp đến kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch tại tỉnh Sơn La, tán thành Điều lệ Hiệp hội, tự nguyện có hồ sơ vào Hiệp hội, có đóng góp cho Hiệp hội nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa có nguyện vọng trở thành hội viên chính thức, thì được Hiệp hội xem xét công nhận là hội viên liên kết.

      3. Hội viên danh dự: Những công dân, các nhà quản lý, nhà khoa học, kỹ thuật và tổ chức, pháp nhân có uy tín, nhiệt tình giúp đỡ, xây dựng, phát triển ngành du lịch Sơn La nói chung và Hiệp hội Du lịch Sơn La nói riêng được Ban Chấp hành Hiệp hội mời làm hội viên danh dự.

      Điều 9. Quyền của Hội viên

      1. Được Hiệp hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

      2. Được Hiệp hội cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội, được tham gia các hoạt động do Hiệp hội tổ chức.

      3. Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hiệp hội theo quy định của Hiệp hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.

      4. Được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hiệp hội theo quy định của Hiệp hội.

      5. Được giới thiệu hội viên mới.

      6. Được khen thưởng theo quy định của Hiệp hội.

      7. Được cấp thẻ hội viên (nếu có).

      8. Được ra khỏi Hiệp hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên.

      9. Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử ban lãnh đạo, Ban Kiểm tra Hiệp hội.

      Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên

      1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hiệp hội.

      2. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hiệp hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hiệp hội phát triển vững mạnh.      

      3. Bảo vệ uy tín của Hiệp hội, không được nhân danh Hiệp hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hiệp hội phân công bằng văn bản.

      4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hiệp hội.

      5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hiệp hội.

      6. Hội viên liên kết không phải đóng hội phí, chỉ đóng lệ phí gia nhập Hiệp hội và đóng góp các khoản tự nguyện khác.

      7.  Hội viên danh dự không phải đóng lệ phí gia nhập Hiệp hội và Hội phí.

      Điều 11. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên; thủ tục ra hội

      1. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên:

      a) Các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh hợp pháp trong các lĩnh vực du lịch, các tổ chức kinh tế, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La.

      b) Tán thành Điều lệ của Hiệp hội.

      c) Có đơn gia nhập hiệp hội.

      d) Đóng phí gia nhập Hiệp hội và hội phí đầy đủ.

      đ) Ban Chấp hành Hiệp hội quyết định kết nạp hội viên.

      2. Thủ tục ra hội:

      a) Hội viên tự nguyện xin rút ra khỏi Hiệp hội, phải có đơn gửi cho Ban Chấp hành Hiệp hội.

      b) Hội viên bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hiệp hội, làm ảnh hưởng đến thể diện, uy tín và tài chính của Hiệp hội. Hội viên không đóng Hội phí một năm mặc dù đã được nhắc nhở.

      c) Hội viên bị xoá tên khi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản, bị mất quyền công dân. Trường hợp đình chỉ tạm thời hoạt động trong một thời hạn thì quyền của hội viên chỉ được tiếp tục khi được phép hoạt động trở lại.

      Ban Chấp hành Hiệp hội thông báo danh sách hội viên xin rút khỏi Hiệp hội, hội viên bị khai trừ và hội viên xoá tên cho tất cả các Hội viên khác biết.

      d) Quyền và nghĩa vụ của hội viên bị chấm dứt sau khi Ban Chấp hành Hiệp hội ra thông báo.

 

Chương IV

TỔ CHỨC HIỆP HỘI

      Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Hiệp hội

      1. Đại hội.

      2. Ban Chấp hành Hiệp hội. 

      3. Ban Kiểm tra của Hiệp hội.

      4. Ban Thường trực Hiệp hội.

      5. Các phòng, ban chuyên môn trực thuộc Hiệp hội.

      a) Văn phòng Hiệp hội;

      b) Các ban chuyên môn Hiệp hội;

      c) Các Hội, Chi hội, Câu lạc bộ;

      d) Các tổ chức trực thuộc khác theo quy định của pháp luật.

      6. Lãnh đạo của Hiệp hội

      a) Chủ tịch Hiệp hội.

      b) Các Phó Chủ tịch Hiệp hội.

      c) Tổng Thư ký Hiệp hội.

      d) Các ủy viên Ban Thường trực.

      e) Các ủy viên Ban Chấp hành

      Điều 13. Đại hội Hiệp hội

      1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội là Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường. Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 05 năm một lần. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.

      2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt.

      3. Nhiệm vụ của Đại hội:

      a) Thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ; Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới của Hiệp hội;

      b) Thảo luận và thông qua Điều lệ; Điều lệ (sửa đổi, bổ sung); đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hiệp hội (nếu có);

      c) Thảo luận, góp ý kiến vào Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành và Báo cáo tài chính của Hiệp hội;

      d) Bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra;

      đ) Các nội dung khác (nếu có);

      e) Thông qua nghị quyết Đại hội.

      4. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội:

      a) Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định;

      b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được quá 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

      Điều 14. Ban Chấp hành Hiệp hội

      1. Ban Chấp hành Hiệp hội do Đại hội bầu trong số các hội viên của Hiệp hội. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng với nhiệm kỳ Đại hội.

      2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành:

      a) Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hiệp hội, lãnh đạo mọi hoạt động của Hiệp hội giữa hai kỳ Đại hội;

      b) Chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội;

      c) Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Hiệp hội;

      d) Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Hiệp hội. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hiệp hội; Quy chế quản lý, sử dụng con dấu của Hiệp hội; Quy chế khen thưởng, kỷ luật; các quy định trong nội bộ Hiệp hội phù hợp với quy định của Điều lệ Hiệp hội và quy định của pháp luật;

      đ) Bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên Ban Thường vụ, bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra. Số ủy viên Ban Chấp hành bầu bổ sung không được quá 1/3 so với số lượng ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội quyết định.

      3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chấp hành:

      a) Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế của Ban Chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội;

      b) Ban Chấp hành mỗi năm họp 02 lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường trực hoặc trên 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành;

      c) Các cuộc họp của Ban Chấp hành là hợp lệ khi có 2/3 ủy viên Ban Chấp hành tham gia dự họp. Ban Chấp hành có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Chấp hành quyết định;

      d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành dự họp biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội.

      Điều 15. Ban Thường trực Hiệp hội

      1. Ban Thường trực Hiệp hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành; là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Hiệp hội, có trách nhiệm điều hành hoạt động của Hiệp hội giữa 2 kỳ họp của  Ban Chấp hành.

      2. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Thường trực do Ban Chấp hành quyết định. Ban Thường trực Hiệp hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên. Nhiệm kỳ của Ban Thường trực cùng với nhiệm kỳ Đại hội.

      3. Ban Thường trực có bộ phận Thường trực gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký. Bộ phận Thường trực giúp Ban Thường trực điều hành hoạt động giữa hai kỳ họp và báo cáo kết quả với Ban Thường trực tại kỳ họp gần nhất.

      4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực:

      a) Giúp Ban Chấp hành triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hiệp hội; tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành; lãnh đạo hoạt động của Hiệp hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành;

      b) Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập họp Ban Chấp hành; giúp Ban Chấp hành xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm.

      c) Quyết định công nhận hoặc xóa tư cách hội viên chính thức, hội viên liên kết, hội viên thông tấn; Đề nghị Ban Chấp hành công nhận hội viên danh dự của Hiệp hội; mời người giữ chức vụ Chủ tịch danh dự của Hiệp hội và giới thiệu để Ban Chấp hành tôn vinh.

      d) Quyết định thành lập các tổ chức, đơn vị thuộc Hiệp hội theo nghị quyết của Ban Chấp hành; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo các tổ chức, đơn vị thuộc Hiệp hội.

      e) Ban Thường trực điều hành mọi hoạt động của Văn phòng, các ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Hiệp hội.

      5. Nguyên tắc hoạt động của Ban Thường trực:

      a) Ban Thường trực hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội ;

      b) Ban Thường trực họp 3 tháng/lần; có thể họp bất thường do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Thường trực (được ủy quyền) triệu tập.

      c) Các cuộc họp của Ban Thường trực là hợp lệ khi có 2/3 ủy viên Ban Thường trực tham dự. Ban Thường trực có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Thường trực quyết định;

      d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Thường trực được thông qua khi có trên 2/3 tổng số ủy viên Ban Thường trực dự họp biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội.

      Điều 16. Ban Kiểm tra Hiệp hội

      1. Ban Kiểm tra Hiệp hội gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban (nếu có) và một số ủy viên do Đại hội bầu ra. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra cùng với nhiệm kỳ Đại hội.

      2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm tra:

      a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hiệp hội, nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường trực, các quy chế của Hiệp hội trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hiệp hội, hội viên;

      b) Xem xét, giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, hội viên và công dân gửi đến Hiệp hội.

      3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Kiểm tra: Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

      Điều 17. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội

      1. Chủ tịch Hiệp hội: Là người đại diện pháp nhân của Hiệp hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Hiệp hội. Chủ tịch Hiệp hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội. Tiêu chuẩn Chủ tịch Hiệp hội do Ban Chấp hành Hiệp hội quy định. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hiệp hội trùng với nhiệm kỳ Đại hội.

      2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hiệp hội:

      a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hiệp hội;

      b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của Hiệp hội, trước Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hiệp hội về mọi hoạt động của Hiệp hội. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hiệp hội theo quy định Điều lệ Hiệp hội; Nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hiệp hội;

      c) Chủ trì các phiên họp của Ban Chấp hành; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Thường trực;

      d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường trực ký các văn bản của Hiệp hội;

      e) Khi Chủ tịch Hiệp hội vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Hiệp hội được ủy quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội.

      3. Các Phó Chủ tịch

      a) Phó Chủ tịch Hiệp hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội. Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch Hiệp hội do Ban Chấp hành Hiệp hội quy định.

      b) Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Hiệp hội chỉ đạo, điều hành công tác của Hiệp hội theo sự phân công của Chủ tịch Hiệp hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hiệp hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch Hiệp hội phân công hoặc ủy quyền. Phó Chủ tịch Hiệp hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội phù hợp với Điều lệ Hiệp hội và quy định của pháp luật.

      c) Phó Chủ tịch Thường trực do Chủ tịch phân công, thay mặt Chủ tịch điều hành Hiệp hội khi Chủ tịch đi vắng.

      Điều 18. Tổng Thư ký Hiệp hội

      1. Là người giúp việc Chủ tịch điều phối hoạt động của các ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc Hiệp hội và được Chủ tịch phân công phụ trách một số lĩnh vực cụ thể.

      2. Tổng Thư ký do Chủ tịch bổ nhiệm sau khi được Ban Chấp hành phê chuẩn.

      3. Giúp Chủ tịch và Ban Thường trực chuẩn bị các văn bản, nội dung các cuộc họp Ban Thường trực, Ban Chấp hành

      4. Tổng Thư ký chịu sự chỉ đạo và phân công của Chủ tịch Hiệp hội

      5. Trong trường hợp Tổng Thư ký thôi giữ nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ, thì Chủ tịch Hiệp hội có thể bổ nhiệm quyền Tổng Thư ký cho đến khi được Ban Chấp hành Hiệp hội phê chuẩn.

      Điều 19. Văn phòng Hiệp hội

      1. Văn phòng Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành.

      2. Các nhân viên được tuyển dụng, hợp đồng làm việc theo quy định của Bộ Luật lao động; nhiệm vụ thực hiện các công việc hành chính của Văn phòng.

      3. Kinh phí hoạt động của Văn phòng Hiệp hội do Tổng Thư ký dự trù trình Ban Thường trực Hiệp hội xem xét để Ban Chấp hành phê duyệt.

      Điều 20. Các Chi hội trực thuộc

      1. Cơ sở có từ 10 hội viên trở lên được thành lập Chi hội.

      2. Việc thành lập Chi hội trực thuộc Hội do Ban Chấp hành Hiệp hội quyết định.

      3. Chi hội trực thuộc Hiệp hội là tổ chức không có tư các pháp nhân do Ban Chấp hành Hiệp hội ra Quyết định công nhận và phê duyệt quy chế hoạt động.

 

Chương V

GIẢI THỂ HIỆP HỘI

         

      Điều 21. Điều kiện giải thể

      1. Khi có 1/2 số hội viên của Hiệp hội có kiến nghị giải thể Hiệp hội, Ban Chấp hành Hiệp hội có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước bằng văn bản và tổ chức Đại hội toàn thể bàn về giải thể Hiệp hội.

      2. Hiệp hội sẽ giải thể khi có từ 2/3 số hội viên trong Đại hội biểu quyết tán thành giải thể Hiệp hội.

      Điều 22. Thủ tục giải thể

      1. Đại hội toàn thể ra Nghị quyết.

      2. Cơ quan cho phép thành lập Hiệp hội ban hành quyết định giải thể Hiệp hội thủ tục giải thể Hiệp hội theo đúng quy định của pháp luật.

      Điều 23. Thanh quyết toán tài chính, thanh lý tài sản

      1. Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hiệp hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục thanh quyết toán tài chính, thanh lý tài sản của Hiệp hội theo đúng quy định hiện hành của pháp luật và thông báo công khai, minh bạch cho các hội viên.

      2. Hiệp hội chấm dứt hoạt động kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải thể Hiệp hội.

      3. Trường hợp Hiệp hội bị giải thể mà không đồng ý với quyết định giải thể thì Hiệp hội có quyền khiếu nại theo qui định của pháp luật. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, Hiệp hội tạm ngừng hoạt động.

 

Chương V

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA HIỆP HỘI

 

      Điều 24. Tài chính, tài sản của Hiệp hội

      1. Lệ phí gia nhập Hiệp hội, hội phí hàng năm của hội viên;

      2. Thu từ các hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật;

      3. Tiền tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

      4. Hỗ trợ của Nhà nước gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có);

      5. Các khoản thu hợp pháp khác;

      6. Tài sản của Hiệp hội: Tài sản của Hiệp hội bao gồm trụ sở, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Hiệp hội. Tài sản của Hiệp hội được hình thành từ nguồn kinh phí của Hiệp hội; do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, tặng theo quy định của pháp luật; được Nhà nước hỗ trợ (nếu có).

      Điều 25. Các khoản chi của Hiệp hội

      1. Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội;

      2. Mua sắm trang thiết bị làm việc;

      3. Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với những người làm việc tại Hiệp hội theo quy định của Ban Chấp hành Hiệp hội phù hợp với quy định của pháp luật;

      5. Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của Ban Chấp hành.

      Điều 26. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hiệp hội

      1. Tài chính, tải sản của Hiệp hội chỉ được sử dụng cho các hoạt động của Hiệp hội.

      2. Tài chính, tài sản của Hiệp hội khi chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật.

      3. Ban Chấp hành Hiệp hội ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hiệp hội đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội.

 

Chương VII

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

      Điều 27.  Khen thưởng

      1. Tổ chức, đơn vị thuộc Hiệp hội, hội viên có thành tích xuất sắc được Hiệp hội khen thưởng hoặc được Hiệp hội đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

      2. Ban Chấp hành Hiệp hội quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, thủ tục khen thưởng trong nội bộ Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

      Điều 28. Kỷ luật

      1. Tổ chức, đơn vị thuộc Hiệp hội, hội viên vi phạm pháp luật; vi phạm Điều lệ, quy định, quy chế hoạt động của Hiệp hội thì bị xem xét, thi hành kỷ luật bằng các hình thức: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, xoá tên trong danh sách hội viên trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật

      2. Ban Chấp hành Hiệp hội quy định cụ thể thẩm quyền, quy trình xem xét kỷ luật trong nội bộ Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

 

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

      Điều 29. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội

      Chỉ có Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải được 2/3 số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

      Điều 30. Hiệu lực thi hành

      Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.

 

 

Khách Sạn Nổi Bật

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 42
Hôm qua : 42
Tháng này : 1489
Tổng truy cập : 232011
Đang trực tuyến : 1