Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, bức tranh PCI lần này có nhiều khởi sắc, có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.
Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. “Dàn nhạc” cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn.
Các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.
Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao.
Có 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh; 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỉ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn, đạt tới 56%).
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết ngoài Quảng Ninh cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao ba tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã tiếp tục có sự tiến bộ vượt bậc. Trong đó, Đồng Tháp thể hiện “phong độ” ổn định với việc nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI.
Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội, lần đầu tiên Thủ đô – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. “Đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh… “Hà Nội không vội được đâu” để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một địa phương có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo cơ quan khảo sát, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh là tích cực, đằng sau những con số thứ hạng cao PCI là rất nhiều nỗ lực, tâm huyết, sáng kiến cải cách hay, mô hình mới hiệu quả đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố trăn trở ngày đêm và hiện thực hóa.
Nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu; 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân. Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng…
Đáng chú ý, có tới trên dưới 30% doanh nghiệp phản hồi về việc gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp dân doanh, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.
Đại diện VCCI bày tỏ quan ngại khi chỉ số PCI phản ánh sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu.
Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng. Điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp trung ương, từ các bộ ngành. Vì vậy, để cải cách hiệu quả, cần đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là một nhu cầu cấp thiết cho làn sóng cải cách lần thứ 2.
PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân, là cảm nhận và niềm tin của họ đối với môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh; là “Hàn thử biểu” của cải cách, là “thước đo” nỗ lực của chính quyền.
Đánh giá về PCI đã được đưa vào Nghị Quyết của Chính phủ Việt Nam, trở thành chương trình hành động cho công cuộc cải cách ở cơ sở.
Các chuyên gia đánh giá PCI như ‘ngọn hải đăng’ cho công cuộc cải cách ở các địa phương. Đúng như PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhận xét: “Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm thấy công trình nào thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy”.