Khẳng định vị trí, vai trò của huyện trong phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu huyện Mộc Châu đã sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá với những sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, thu hút du khách.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH CAO NGUYÊN
Mộc Châu trước đây chủ yếu được du khách biết đến với “Chợ tình” diễn ra dịp Tết Độc lập 2/9 hằng năm. Các chàng trai, cô gái đồng bào Mông từ khắp rẻo cao về gặp nhau cùng vui Tết Độc lập, mang theo những câu chuyện tình yêu đôi lứa, đã hình thành chợ tình, thu hút nhiều người hiếu kỳ đến với cao nguyên Mộc Châu. Cụ thể hoá Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 16/7/1998 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu đã nghiên cứu, phát triển hoạt động này thành Tuần lễ Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, được duy trì tổ chức, trở thành “thương hiệu” du lịch của cao nguyên, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu
Đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộc Châu, nhớ lại: Nghiên cứu triển khai Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, huyện Mộc Châu báo cáo tỉnh, mạnh dạn “vượt tuyến” mang bản khảo tả, thuyết trình tích truyện chợ tình Mộc Châu đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sự kiện để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách. Niềm vui đến với Mộc Châu vào năm 2006, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Mộc Châu, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã tạo sức lan tỏa về quy mô, ý nghĩa.
Các năm sau, Ngày hội do tỉnh tổ chức, đến năm 2011, đổi thành “Ngày hội qua miền Tây Bắc”, sau đó là “Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu” do huyện Mộc Châu tổ chức. Sự kiện ghi dấu ấn về tư duy làm du lịch đầu tiên và tới nay vẫn là chủ lực thu hút du khách đến với cao nguyên Mộc Châu. Mỗi dịp tổ chức ngày hội, bình quân thu hút khoảng 20.000 du khách trong và ngoài nước, khách lưu trú kín các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn. Ngày hội còn khơi dậy niềm tự hào về mùa thu độc lập của đất nước, nhân lên niềm tin của nhân dân các dân tộc với Đảng, chính quyền.
Đổi mới về tư duy, nhạy bén cách làm du lịch, cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu chỉ đạo, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, tổ chức nhiều sự kiện gắn với du lịch để thu hút du khách.
Mong muốn tạo ấn tượng với du khách về du lịch Mộc Châu thân thiện và mến khách, ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu đã ban hành Kết luận số 715-KL/HU về Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch “Mộc Châu - Siêu vườn trường”. Sản phẩm là tour du lịch 2 ngày 1 đêm, trải nghiệm khám phá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, bản sắc văn hóa, với những ưu đãi dành tặng học sinh, sinh viên và mang đến kỳ du lịch bổ ích, nâng cao kỹ năng và cung cấp các kiến thức thực tiễn khi đến với Mộc Châu. Hiệu quả thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên các trường trong và ngoài tỉnh đến Mộc Châu tham quan, trải nghiệm.
Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Mộc Châu - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng.
NHỮNG HẠT NHÂN LAN TOẢ
Từ yêu cầu thực tiễn, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu “nhìn ra việc”, gương mẫu đi đầu, mạnh dạn đột phá, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về đánh thức tiềm năng du lịch Mộc Châu.
Bằng tình yêu sâu sắc với cao nguyên xinh đẹp, Chiến sĩ thi đua toàn quốc Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộc Châu, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện, trước đây là Phó Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, là người dành nhiều tâm huyết đóng góp vào sự phát triển du lịch địa phương. Anh là chủ nhân của nhiều sáng kiến, như: Năm 2013, anh đề xuất sáng kiến “Bảo tồn và phát huy lễ hội cúng đá của dân tộc Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc” với mục đích xác định nguồn gốc, ý nghĩa lễ hội, các giải pháp để tuyên truyền bảo tồn và phát huy lễ hội trong cộng đồng dân tộc Mông, hướng tới đưa vào danh mục lễ hội của tỉnh. Hiện nay, bản Tà Số là bản du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách khi đến Mộc Châu. Năm 2014, anh Nguyên có sáng kiến “Phát huy giá trị Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu Tết Độc lập 2/9 để phát triển du lịch”, được duy trì hằng năm, không chỉ giữ gìn truyền thống văn hóa độc đáo của địa phương mà còn thu hút đông đảo du khách. Từ năm 2015 - 2021, anh Nguyên còn có nhiều sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, như: “Bảo vệ và phát huy văn hóa dân ca, dân vũ các dân tộc Mông, Dao ở huyện Mộc Châu”; sáng kiến “Giải pháp góp phần phát triển sản phẩm du lịch Mộc Châu - Siêu vườn trường” có phạm vi ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc...
Bản Áng, xã Đông Sang, những năm gần đây là điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước khi đến với cao nguyên Mộc Châu. Nơi đây cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng với hồ rừng thông, nhiều nếp nhà sàn truyền thống được lưu giữ; nổi tiếng với Lễ hội Hết Chá, những điệu múa xòe Thái, những làn điệu dân ca cổ say đắm lòng người và nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái.
Lễ hội Hết Chá xã Đông Sang
Đồng chí Hà Văn Lý, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sang, chia sẻ: Du lịch cộng đồng ở bản Áng hình thành năm 2012, chỉ có 5 hộ làm du lịch cộng đồng, theo kiểu tự phát. Năm 2016, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo tổ chức cho một số hộ đi tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai), ở Mai Châu (Hòa Bình). Chỉ đạo UBND huyện vận dụng cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ dân cải tạo nhà sàn để làm du lịch; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng làm du lịch cho bà con.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, năm 2018, du lịch cộng đồng ở bản Áng và xã Đông Sang đã thực sự bài bản, với sự tiên phong của các đảng viên, tiêu biểu như: Đồng chí Lò Thị Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đảng viên Lữ Thị Thuận... Hiện nay, bản có 74 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/hộ/tháng. Các homestay ấn tượng từ cách bài trí phòng nghỉ sạch đẹp, phục vụ chu đáo; nhà nhà trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp, thu hút du khách. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến xã Đông Sang đạt trên 129.000 lượt người, trong đó lưu trú khoảng 30.000 lượt người; doanh thu ước đạt 50 tỷ đồng.
Tiếp tục hành trình tới điểm du lịch cộng đồng bản Vặt, xã Mường Sang. Trước đây, đường vào bản Vặt hẹp, ô tô chở khách du lịch vào bản khó tránh nhau. Vài tháng trước, khi chúng tôi đến còn đang ngổn ngang vật liệu, nay trở lại, con đường bê tông vào bản Vặt đã rộng mở thênh thang.
Anh Hà Văn Trọng, Bí thư, Trưởng bản, phấn khởi nói: Chi bộ đã thống nhất ra nghị quyết mở rộng đường giao thông để phục vụ đón khách du lịch và thuận lợi giao thương. Nghị quyết được các hộ hưởng ứng, hiến đất, góp công làm đường dài 600 m, mở rộng từ 4 lên 8 mét, tiền mua vật liệu được bà con thống nhất lấy từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của chung cả bản. Bà con đồng thuận đến đất nhà ai thì nhà đó vui vẻ hiến làm đường.
Đường vào bản Vặt, xã Mường Sang được đầu tư nâng cấp, thuận tiện cho việc đi lại
Anh Trọng không nói gì về mình, nhưng qua câu chuyện với bà con trong bản, chúng tôi được biết, anh chính là hạt nhân lan tỏa giúp bà con thay đổi tư duy nhận thức làm du lịch. Anh tích cực cùng Chi bộ chỉ đạo triển khai hiệu quả dự án xây dựng bản Vặt thành điểm du lịch cộng đồng được huyện Mộc Châu và Dự án Great hỗ trợ. Vận động nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng làm đường điện chiếu sáng đường bản hơn 2,8 km, xây dựng cổng chào bản du lịch cộng đồng, sửa chữa nhà văn hóa, xây dựng mô hình trưng bày hiện vật đặc trưng nét văn hóa đồng bào dân tộc Thái. Hằng tháng, phân công các đảng viên đến các hộ nhắc nhở thực hiện vệ sinh, sắp xếp nhà cửa, đảm bảo sạch sẽ đón khách. Chi bộ bản Vặt với 23 đảng viên, 5 năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh. Bản có gần 130 hộ dân, trong đó có 20 hộ làm du lịch homestay, bình quân mỗi tháng đón tiếp khoảng 2.500 lượt khách đến lưu trú; thu nhập tăng thêm của các hộ làm du lịch khoảng 15-20 triệu đồng/hộ/tháng.
Du khách trải nghiệm không gian văn hoá tại homestay ở bản Vặt, xã Mường Sang.
Bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỏa sáng, từng bước hiện thực chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 94-KL/TU, ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo baosonla.org.vn