Đường dây nóng: 02123.789.393 - 035.550.1559

Tăng tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch

Cập nhật: 09-05-2023 00:00:00 10 / 05 / 2023
Lượt xem: 237
Phát triển hệ thống sản phẩm đa dạng, độc đáo, hấp dẫn được coi là yếu tố hàng đầu tạo sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Ðây cũng là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, đó là "Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Ðiểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Du khách tìm hiểu thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế - Hà Nội 2023. (Ảnh Báo Nhân dân)

 

Dù sở hữu nguồn tài nguyên phong phú về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người để phát triển đa dạng loại hình du lịch, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn còn nghèo nàn, phát triển chưa xứng tiềm năng, đặc biệt là thiếu sự thích ứng đối với những thay đổi về hành vi, nhu cầu của du khách sau đại dịch. Bằng chứng là dù chủ động mở cửa trở lại du lịch từ khá sớm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ở mức hạn chế, không đạt kỳ vọng; tỷ lệ phục hồi du lịch xếp sau nhiều nước trong khu vực.

 

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel Holdings: Sản phẩm du lịch của nước ta nhìn chung chưa được đầu tư đủ sức hấp dẫn, độc đáo để có thể giữ chân, tăng chi tiêu và khả năng quay lại của du khách. Các nhóm sản phẩm về tự nhiên và sinh thái chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, hầu hết là tự phát dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp đối với du khách và thiếu tính bền vững đối với ngành. Bên cạnh đó, văn hóa, nghệ thuật là yếu tố giữ chân, giúp đưa du khách quay trở lại cũng chưa được khai thác đúng mức.

 

Chia sẻ tại Hội thảo "Hợp tác hàng không-du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế" vừa diễn ra tại Nha Trang do Báo Văn hóa phối hợp Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lữ hành Saigontourist nhận định: Nếu như ở giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, tuổi thọ của sản phẩm du lịch có thể kéo dài trên 5 năm, hằng năm chủ yếu chỉ cần cập nhật thêm dịch vụ mới; thì từ năm 2020, sau những tác động của đại dịch, chiến lược về sản phẩm du lịch cho du khách buộc phải thay đổi, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải đầu tư phân tích kỹ từng phân khúc thị trường (xét theo nhu cầu của nhóm khách), từng nhóm thị trường (xét theo khu vực địa lý-văn hóa), xu hướng chung của du khách để xây dựng sản phẩm. Theo dữ liệu của Saigontourist, nhu cầu về sản phẩm du lịch của khách quốc tế sau đại dịch thay đổi trên nhiều phương diện.

 

Du khách chú trọng hơn đến dòng sản phẩm du lịch bao hàm các giá trị cộng thêm về sức khỏe tinh thần, thể chất và gắn kết với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.

 

Cùng với đó là xu hướng kết hợp gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa và trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương, trải nghiệm ẩm thực truyền thống, nghệ thuật văn hóa dân gian; xu hướng sử dụng các loại hình du lịch có dịch vụ cao cấp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tự do; xu hướng áp dụng công nghệ tự đặt dịch vụ, tự đi tour; xu hướng du lịch không chạm… dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong mảng kinh doanh du lịch trực tuyến. Ðây là những yếu tố chi phối lớn tới việc xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch.

 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lữ hành Saigontourist chia sẻ, qua thực tế hoạt động, có thể khẳng định việc phối hợp với đối tác ở nước ngoài để xác định đúng về xu hướng của thị trường và đúng trọng tâm về nội dung sản phẩm tour đóng vai trò quyết định trong phát triển sản phẩm du lịch dành cho khách quốc tế. Bởi khi các sản phẩm được triển khai bán sớm nhất tại các kênh bán của đối tác ở hầu hết các thị trường trọng điểm trên toàn cầu, sẽ giúp công ty nhanh chóng khôi phục thị trường khách, thu hút những luồng khách đầu tiên.

 

Ðến nay, hệ thống sản phẩm du lịch cho du khách quốc tế của Saigontourist gần như phải đổi mới hoàn toàn trên cơ sở cập nhật thông tin từ hơn 400 đối tác tại các thị trường nguồn trên toàn cầu trong suốt thời gian trong và sau dịch. Ðây là cơ sở để hãng lữ hành này phân tích, đánh giá, xử lý dữ liệu, từ đó đưa ra quyết định đầu tư, làm mới hoặc xây dựng mới hoàn toàn các dòng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách, bao gồm du khách đến Việt Nam theo đường hàng không, đường biển và đường sông.

 

Ðặc biệt, để thu hút hơn 15.000 khách tàu biển quốc tế, riêng trong quý I/2023, lữ hành Saigontourist đã phải xây dựng mới toàn bộ sản phẩm du lịch trên cơ sở yêu cầu thực tế của đối tác tại Mỹ.

 

Bên cạnh làm mới, đa dạng hóa sản phẩm, việc tạo điểm nhấn mang tính bản sắc cho sản phẩm du lịch cũng giữ vai trò rất quan trọng. Theo bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism JSC, phải xây dựng được sự khác biệt về sản phẩm thì mới tạo sức hút với thị trường khách mục tiêu.

 

Muốn thế, mỗi tỉnh, thành phố, điểm đến đều cần xác định lợi thế phát triển du lịch riêng có, trở thành các mảnh ghép hoàn hảo của nhau để du khách khi đến Việt Nam có cơ hội trải nghiệm nhiều sản phẩm độc đáo, không đơn điệu, trùng lặp. Ðể làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan nhà nước trong công tác quy hoạch phát triển tổng thể du lịch, xác định thế mạnh riêng của từng địa phương để định hướng phát triển sản phẩm phù hợp.

 

Cùng với đó là sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch trong đẩy mạnh liên kết tạo ra các sản phẩm, tuyến điểm, trải nghiệm đặc sắc, chú trọng việc tạo ra sản phẩm quà tặng độc đáo để hấp dẫn du khách…

 

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng đề xuất: Cùng với bốn dòng sản phẩm chính đang khai thác là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch đô thị, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu bốn dòng sản phẩm khác gắn với xu hướng hiện nay để đạt sự tăng trưởng lượt khách, đó là: du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp hội nghị hội thảo (MICE), du lịch kết hợp sự kiện, du lịch kết hợp thể thao; cần chú ý phát triển các sản phẩm về đêm gắn với văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, các chương trình văn hóa nghệ thuật.

 

Ðại diện Vietravel Holdings lưu ý, sau đại dịch, tiếp nối với thời gian khủng hoảng kinh tế, du khách đang có xu hướng nhạy cảm về giá nên việc cạnh tranh về chi tiêu là yếu tố quan trọng trong thu hút khách. Hiện nay, các công ty du lịch Việt Nam gần như đang đóng vai trò trung gian, tổng hợp dịch vụ từ các ngành và tiểu ngành dịch vụ khác, nên cần có cơ chế và sự tham gia của cơ quan quản lý để liên kết các sản phẩm dịch vụ, tạo thành chuỗi sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhằm kích cầu thị trường quốc tế...

 

Theo Báo Nhân dân

 


Các tin khác:

Khách Sạn Nổi Bật

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 11
Hôm qua : 11
Tháng này : 23671
Tổng truy cập : 215124
Đang trực tuyến : 1