Đường dây nóng: 02123.789.393 - 035.550.1559

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cập nhật: 28-12-2023 00:00:00 29 / 12 / 2023
Lượt xem: 135
Ngày 25/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Sơn La và 11 huyện (Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên).

 

Thành phố Sơn La hôm nay.

 

MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định,  góp phần phát triển vùng và đất nước.

Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỤ THỂ

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100 -120 triệu đồng/người; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 6.250 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng; kinh tế số đến năm 2025 đạt khoảng 10-15% GRDP và đến năm 2030 đạt 20-30% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 20,6% và đến năm 2030 đạt khoảng 25,8%.

Về văn hóa – xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,7; tuổi thọ trung bình người dân đạt trên 75 tuổi; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm trung bình 2-3%/năm; tối thiểu 80,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 60%, đến năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025: Mầm non đạt 70%, tiểu học đạt 72%, trung học cơ sở đạt 76%, trung học phổ thông đạt 88%; đến năm 2030: Mầm non đạt 80%, tiểu học đạt 82%, trung học cơ sở đạt 86%, trung học phổ thông đạt 98%; số bác sỹ/10.000 dân đến năm 2025 đạt 9 bác sỹ và đến năm 2030 đạt 9,5 bác sỹ; số giường bệnh/10.000 dân đến năm 2025 đạt 31 giường bệnh và đến năm 2030 đạt 32 giường bệnh.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn và bản, tiểu khu, tổ dân phố có nhà văn hóa đến năm 2025 đạt 100%; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định đạt khoảng 60%. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt trên 94%; đến năm 2030 đạt trên 96%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đến năm 2025 đạt khoảng 50%, đến năm 2030 đạt khoảng 60%.

Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 48,5% và đến năm 2030 đạt ổn định 50%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt 98%. Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom xử lý đạt 93%. Chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt trên 98%. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom dưới 50%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên; trên 20% đối với đô thị còn lại.

Về quốc phòng, an ninh: Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tiếp tục củng cố vững chắc khu vực phòng thủ tỉnh, xây dựng toàn diện thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và bảo đảm an ninh. Phấn đấu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; 100% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.

TẦM NHÌN ĐẾN 2050

Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch. Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

 

Một góc thị trấn Mộc Châu.

 

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Nâng cao hiệu quả tận dụng các cam kết kinh tế quốc tế, trong đó có hợp tác FTA. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn đầu tư khác kết hợp với nội lực của địa phương. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT03 (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên), dự án cảng hàng không Nà Sản…; phát triển các kho tàng, bến bãi, bến thủy,… nhằm gia tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hóa và dịch vụ.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu; khu du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La; khu công nghiệp Mai Sơn, khu công nghiệp Vân Hồ và các khu, cụm kinh tế chuyên ngành khác. Tiếp tục hình thành và phát triển các khu du lịch, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, dịch vụ khác… nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội và tạo lập động lực phát triển.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ổn định dân cư, tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái rừng, bảo vệ vốn rừng, xã hội hóa nghề rừng.

Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo ra sự bứt phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng các đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa. Đầu tư phát triển các đô thị trọng điểm như: Thành phố Sơn La trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh và hướng tới đạt các tiêu chí đô thị loại I sau năm 2030; thành lập thị xã Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn và các chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường bản sắc, hình ảnh, thương hiệu đặc thù của các khu vực dân cư gắn với các dân tộc trong tỉnh.

Tăng cường kiểm soát các khu vực cần bảo tồn, khu vực nhạy cảm về môi trường, ngăn ngừa các hiểm họa thiên tai và các thảm họa khác do con người gây ra. Tăng cường cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn.

Đột phá phát triển

Đột phá ở các ngành, lĩnh vực kinh tế: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng. Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ). Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng, bao gồm: Chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản chủ lực gắn với công nghiệp chế biến.

Đột phá về không gian lãnh thổ: Phát triển 2 trung tâm đô thị, gồm: Vùng đô thị trung tâm tỉnh (thành phố Sơn La - Hát Lót); trung tâm đô thị phía Đông Nam (Mộc Châu - Vân Hồ). Phát triển 3 hành lang kinh tế động lực chủ đạo, gồm: Hành lang quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; hành lang quốc lộ 279D - quốc lộ 4G; hành lang quốc lộ 43.

Đột phá các nền tảng phát triển khác: Nguồn lực dân số, lao động và văn hóa: Đào tạo và sát hạch cấp chứng chỉ cho lao động; cung cấp một hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn; phát huy giá trị văn hóa toàn diện theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

 


Khu công nghiệp Mai Sơn, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn.


Cơ sở hạ tầng đồng bộ: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó đảm bảo các khu công nghiệp, đô thị, vùng nông nghiệp và nông thôn có đủ các thiết chế về văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục.... Xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai, xử lý chất thải và nước thải; nâng cấp hạ tầng thông tin viễn thông đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lãnh đạo và điều hành theo hướng: Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý Nhà nước; cải thiện mạnh mẽ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư; thu hút đầu tư và thu hút nhân tài.

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy  hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Sơn La theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

Theo Báo Sơn La


Các tin khác:
Các tin liên quan:

Khách Sạn Nổi Bật

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 47
Hôm qua : 47
Tháng này : 23656
Tổng truy cập : 215109
Đang trực tuyến : 1