Hội thảo khoa học về đánh giá tác động của các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong triển khai quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Hoàng Chí Thức – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh; lãnh đạo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây Dựng); lãnh đạo các sở, ban ngành, các hiệp hội của tỉnh; các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030, trong đó xác định quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, quy mô khoảng 1.500 ha. Thực hiện Quyết định này, với sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, địa phương, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu nói chung, ngành du lịch của 2 huyện: Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng, những năm qua đã có những bước phát triển và tăng trưởng mạnh. Thu hút trên 30 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, lập dự án đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; năm 2017 lượng khách du lịch đến Mộc Châu đạt trên 1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 4.800 lao động…Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã xuất hiện những vấn đề mâu thuẫn cần được xem xét từ góc độ quản lý và công tác quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực mà trọng tâm là phát triển cây chè và chăn nuôi bò sữa trong nông nghiệp; vấn đề bảo vệ môi trường và giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc cần được giải quyết.
Có thể khẳng định rằng từ khi công bố quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, du lịch Mộc Châu đã có bước phát triển mạnh và tăng trưởng nhanh; tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng phát triển nhiều lĩnh vực dịch vụ ( (trong đó dịch vụ du lịch) chiếm tỷ trọng cao và có tác động ảnh hưởng trực tiếp kéo theo sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác với tốc độ nhanh hơn, hình thành mối liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.
Từ thực tiễn trên, Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp đánh giá một cách khách quan về tác động giữa quy hoạch, xây dựng, văn hóa, nông nghiệp, môi trường và du lịch trong triển khai xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đồng thời, các tham luận đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp giải quyết các nguy cơ, tiềm ẩn về sự xung đột giữa quy hoạch các ngành trong phát triển du lịch, góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái mang tính đặc thù của địa phương gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển hợp lý không gian các ngành nghề truyền thống, gìn giữ văn hóa truyền thống địa phương.
Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất quan điểm phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường; không để sản xuất mâu thuẫn với du lịch; việc phát triển cây, con ở vùng lõi Khu du lịch phải thực hiện hài hòa theo hướng cùng có lợi cho cả người nuôi, người trồng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tương hỗ cho phát triển du lịch…
Văn phòng Hiệp hội Du lịch
ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
Tác động của Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực đến triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
————————–
Ngày 16/1/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong những quan điểm của Nghi quyết đã khẳng định: ” Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; . . . . chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch”.
“Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội“.
Tỉnh Sơn La nói chung, huyện: Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bởi sở hữu nhiều lợi thế về khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, hang động kỳ bí; cùng với giá trị văn hóa truyền thống của cộng động các dân tộc đa dạng, đặc sắc tạo sự thu hút đổi với du khách; nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, trải nghiệm. Trong những năm qua du lịch Mộc Châu, Vân Hồ đã có bước phát triển tăng trưởng nhanh cả về số lượng và doanh thu, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; cơ sở vật chất ký thuật, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, các sản phẩm, dich vụ du lịch ngày càng phong phú; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng lên.
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, cần phải giải quyết tốt mối liên kết giữa phát triển du lịch với: Vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển các ngành kinh tế đảm bảo hài hòa trong quá trình phát triển. Ban chất của du lịch là văn hóa, kinh tế vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu phát triển du lịch. sự gắn bó hữu cơ giữa kinh tế; văn hóa và môi trường với phát triển du lịch là đặc điểm cơ bản và là su hướng lớn trên thế giới hiện nay để đạt mục tiêu phát triển du lịch nhanh và bền vững. Du lịch phát triển có tác động ( cả tích cực và tiêu cực) đến các ngành, lĩnh vực có liên quan, cụ thể:
*Về tác động tích cực:
– Trong lĩnh vực kinh tế: Du lich phát triển có tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đó là làm tăng tỷ trọng dịch vụ; kéo theo sự chuyển dịch về cơ cấu lao động chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động dịch vụ; du lịch phát triển góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương; du lịch thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, như sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, chế biến, vận tài, lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chinh . . .Du lịch góp phần mở rộng thị trường tiêu thu hàng hóa; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, như mở rộng mạng lưới giao thông . . .
– Trong lĩnh vực xã hội: Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương; du lịch phát triển làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội; du lịch là phương tiện truyền thông quảng bá có hiệu quả nhất về hình ảnh đất nước, con người, truyền thống văn hóa dân tộc; du lịch làm tăng sự hiểu biết về văn hóa, xã hội là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên.
– Trong lĩnh vực môi trường: Du lịch góp phần khẳng định giá trị và việc bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên; góp phần làm tăng chất lượng môi trường thông qua việc Quy hoạch cảnh quan, thiết kế xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc hay việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Du lịch góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật như: Nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống sử lý nước thải, hệ thống thông tin liên lạc . . .và thông qua việc giao tiếp với du khách làm cho sự hiểu biết của công đồng địa phương được nâng lên . .
Bên cạnh đó, du lịch phát triển cũng có tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành, lĩnh vực: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; từ đó tạo ra sự mất cân đối trong quá trình phát triển của một số ngành; du lịch hoạt động mang tính thời vụ do đó ảnh hướng tới việc sử dụng lao động; du lịch làm ô nhiễm môi trường và cảnh quan thiên nhiên do khai thác quá mức hoặc không hợp lý; sự phát triển nóng và tự phát về du lịch làm phá vỡ quy hoạch phát triển chung; du lịch làm phát sinh một số tệ nạn xã hội và làm thay đổi một số nét truyền thống văn hóa dân tộc của địa phương . . .
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng; quá trình phát triển du lịch có mối liên kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác. Quá trình phát triển và những sản phẩm của các ngành kinh tế; các lĩnh vực văn hóa và môi trường đã tạo ra chuỗi giá trị hình thành các sản phẩm du lịch; như: những cánh đồng chè, hoa, những cảnh quan thiên nhiên; những điểm di tịch; những sản phẩm nông nghiệp CNC; những lễ hội văn hóa các dân tộc . . . đã tạo thành những chuỗi giá trị sản phẩm du lịch để thu hút khách;
* Mặt khác, quá trình phát triển của các ngành, lĩnh vực cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của du lịch, như: tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải trong sản xuất, chăn nuôi hay chế biến sản phẩm; sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng, cùng với việc môi trưởng du lịch thiếu an toàn, thân thiện . . . đều có tác động ảnh hưởng sấu đến quá trình phát triển của du lịch.
Do đó, để du lịch phát triển bền vững thì công tác quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực phải đảm bảo tính khoa học, toàn diện và hài hòa trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội chung. Trong đó cần đảm bảo phát huy tính tích cực trong quá trình phát triển của các ngành kinh tế; Văn hóa xã hội và môi trường để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm của du lịch và ngược lại sự phát triển của du lịch phải có tác động tích cực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực cùng phát triển, chỉ có như vậy mới hình thành hình thành cơ cấu hợp lý đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.
Mộc Châu có diện với diện tích 1.081,66 km2; Cao nguyên Mộc Châu với địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 1.050 m, so với mặt biển; diện tích rộng, đất đai màu mỡ, với khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm. Hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên tưới đẹp ( như cánh đồng cỏ, đồng chè, vườn hoa, quả . . . .), với nhiều điểm danh thắng; Phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa các dân tộc đa dạng và đặc sắc như: các Lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc; cùng với các sự kiện văn hóa – Du lịch khác được tổ chức hàng năm; Mộc Châu có đường biên giới giáp với huyện Sốp Bâu ( Tỉnh Hua Phần – Nước CHDCND Lào), có cửa khẩu quốc gia Loong Sập, trong tương lai khi cửa khẩu Loong Sập được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế sẽ là điều kiện thuận lợi để mở các tuyền du lịch sang Lào và Thái Lan. Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ban tặng, Mộc Châu là huyện có vai trò quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội và nhiệm vụ Quốc phòng an ninh của tỉnh.
Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2050/QĐ- TTg, phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đến năm 2030”; trong đó xác đinh quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trong điểm gồm 03 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu với quy mô 1.500ha. Việc phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu được tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu, Vân Hồ xác định là khâu đột phá, là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế xã hội.
Trong những năm qua, huyện Mộc Châu đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, đến nay nhiều mục tiêu định hướng phát triển đề ra tại quyết định số 2050/QĐ-TTg của Thư tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả bước đầu, cụ thể:
– Khách du lịch đến Mộc Châu năm sau cao hơn năm trước, trải đều cả bốn mùa trong năm; năm 2016 lượng khách đạt: 1,05 triệu lượt, bằng 87,5% so với mục tiêu đến năm 2020.
– Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2016 đạt 950 tỷ đồng, bằng 63,3% so với mục tiêu năm 2020. tạo việc làm khoảng 4.800 lao động bằng 48% so với mục tiêu đến năm 2020.
– Số cơ sở lưu trú phát triển nhanh, đến nay toàn huyện có trên 150 cơ sở lưu trú ( trong đó có 01 khu resort, 01 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao) với tổng số 1.347 phòng, 2.749 gường; có 10 doanh nghiệp kinh doanh; trên 300 cơ sở phục vụ ăn uống; cùng nhiều cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí.
– Đã thu hút trên 30 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, lập dự án đầu tư vào khu DLQG Mộc Châu cũng như trên địa bàn huyện, như: Dự án ” Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp rừng thông bản Áng” do Công ty Du lịch Quốc tế Phượng Hoàng đầu tư; dự án ” Khu du lịch sinh thái Thác Dải Yếm” do Công ty Cổ phần Du lịch Pha Luông đầu tư sắp hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch và nhiều dự án khác đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để triển khai đầu tư trong thời gian tới.
– Về du lịch sinh thái, dã ngoại, trải nghiệm: Đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Hái chè, sao xấy chè, tham qua trang trại bò sữa; trải nghiệm hái quả tại vườn, tham quan, trải nghiệm và ngắm hoa tại các Khu du lịch sinh thái Hồng Công, Công ty Hoa Nhiệt đới; Công ty Hoa Cảnh Cao Nguyên . . .
– Về khu Du lịch cộng đồng: Huyện Mộc Châu đang tích cực xây dựng bản Áng 2, xã Đông Sang thành bản du lịch cộng đồng. UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu bản Văn hóa dân tộc Chiềng Đi và khu bản Văn hóa các dân tộc thuộc khu trung tâm du lịch Mộc Châu.
– Về du lịch tham quan di tích lịch sử, danh thằng: Huyện Mộc Châu đã khôi phục và duy trì tổ chức nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Tết độc lập của dân tộc Mông ( ngày hội văn hóa dân tộc Mông 2/9); lễ hội Hết Chá, cầu mưa của dân tộc Thái; lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông, nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao, múa xòe của dân tộc Thái; nhiều di tích lịch sử đã được đầu tư, tôn tạo để tạo điểm đến phục vụ du khách, như: Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Mộc Châu; Chùa Vạt Hồng; quy hoạch một số khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan sinh thái để phát triển thành những điểm đến tham quan du lịch, như Thung lũng mận Nà Ka; khu đồng cỏ Thảo nguyên . . .
– Về du lịch tâm linh: Đã đầu tư tôn tạo, Chùa Vặt Hồng. Hiện nay huyện Mộc Châu đang triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu văn hóa tâm linh Trúc Lâm Mộc Châu và Chùa Mường Sang để mời gọi đầu tư.
Có thể khẳng định rằng từ khi công bố quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, du lịch Mộc Châu đã có bước phát triển mạnh và tăng trưởng nhanh; tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng phát triển nhiều lĩnh vực dịch vụ ( (trong đó dịch vụ du lịch) chiếm tỷ trọng cao và có tác động ảnh hưởng trực tiếp kéo theo sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác với tốc độ nhanh hơn, hình thành mối liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch trên địa bàn Mộc Châu trong những năm gần đây, đã xuất hiện những vẫn đề mâu thuẫn cần được xem xét từ góc độ quản lý và công tác Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực mà trọng tâm là phát triển chè và chăn nuôi bò sữa trong nông nghiệp; vấn đề bảo vệ môi trường và giữ gìn giá trị bẳn sắc văn hóa các dân tộc, thể hiện trên những khía cạnh sau đây:
Trước hết là: Việc quy hoạch xây dựng Đô thị Mộc Châu với phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu có quan hệ mật thiết với nhau. Trong những năm qua, huyện Mộc Châu đã lập nhiều quy hoạch phát triển kết cầu hạ tầng kỹ thuật đô thị ( như giao thông, cấp nước, thoát nước thải, hệ thống điện, vệ sinh môi trường, hạ tâng xã hội . . ); làm cơ sở pháp lý để quản lý đất đai, trật tự xây dựng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch phát triển Đô thị đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với quy hoạch phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (thiếu diện tích xây dựng hạ tầng công cộng, như công viên, hồ nước, khu đô thị hiện đại . . .); diện tích đất dành cho phát triển dịch vụ thương mại và các khu dân cư còn ít không đảm bảo đáp ứng với quy hoạch phát triển, do phần lớn diện tích đất giao cho doanh nghiệp thuê để phát triển sản xuất, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; một số tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn 2 Thị Trấn đòi hỏi phải được quy hoạch mở rộng, trật tự đô thị đòi hỏi phải có quy chế quản lý kiến trúc . .Vì vậy vấn đề đặt ra là phải quy hoạch thế nào để đảm bảo các điều kiện thúc đẩy sự phát triển hình thành Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Hai là: Là mối quan hệ giữa phát triển chăn nuôi Bò sữa với phát triển du lịch, ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Mộc Châu đã trải qua 59 năm phát triển, đến nay với tổng đàn bò sữa khoảng 23.000 con; hàng năm chăn nuôi Bò sữa đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện với tỷ trọng cao; giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ( cả người chăn Bò và những hộ dân trồng ngô làm thức ăn cho chăn nuôi); Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu là đơn vị đứng đầu về nộp ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; Công ty đã xây dựng Trang trại du lịch Bò sữa, hàng năm duy trì tổ chức thi ” Hoa hậu Bò sữa” để khuyến khích, tôn vinh những người chăn nuôi bò sữa, đồng thời thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu. Hình thành những điểm tham quan du lịch sinh thái, trải nghiệm ngắm cảnh, chụp ảnh đồng cỏ; tìm hiểu quy trình chăn nuôi bò, chăm sóc bò sữa và thưởng thức các sản phẩm từ sữa tại Trang trại Du lịch Bò sữa Dairy Fam. Các sản phẩm từ sữa là những sản phẩm được du khách ưa chuộng khi đến tham quan, du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Quá trình phát triển chăn nuôi Bò sữa ở Mộc Châu là do lịch sử để lại; khi công bố Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu và du lịch Mộc Châu từng bước phát triển, thì xuất hiện những mâu thuẫn cần phải được giải quyết một cách hợp lý, cụ thể:
Việc quản lý sử dụng đất đã không còn phù hợp với su thế phát triển du lịch và tốc độ đô thị hóa; những trang trại Bò sữa không thể cùng tồn tại xen ghép với cự lý ngày càng gần với khu dân cư hay các cơ sở hạ tầng du lịch; ảnh hưởng của ô nhiễm chất thải trong chăn nuôi Bò sữa đối với môi trường phát triển du lịch Mộc Châu đang ở mức báo động; xét về góc độ quy hoạch phát triển thì diện tích trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia với diện tích phát triển chăn nuôi Bò sữa hiện nay đang có sự chồng lẫn. Vì vậy vấn đề đặt ra là điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chăn nuôi bò sữa, vừa dảm bảo yêu cầu tiếp tục phát tiển chăn nuôi bò sữa theo kế hoạch, đồng thời đảm bảo dành đủ diện tích đất đai phục vụ phát triển khu DLQG Mộc Châu.
Ba là: Mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển chè và cây ăn quả, rau hoa ở Mộc Châu: Như ở phần trên đã đề cập khi du lịch phát triển thì những cánh đồng chè, những vườn cây ăn quả, những thung lũng hoa đã trở thành điểm đến tham quan của khách du lịch, đồng thời nhờ du lịch phát triển mà những sản phẩm nông sản trên đây đã trở thành hàng hóa quà lưu niệm của du khách.
Tuy nhiên, cũng giống như phát triển chăn nuôi bò sữa việc phát triển cây chè còn nhiều bất cập, cần phải được điều chỉnh quy hoạch một cách hợp lý cho phù hợp với Quy hoạch phát triển khu du lịch, cụ thể: Nhiều cánh đồng chè nằm trong vùng Quy hoạch khu trung tâm du lịch Quốc gia Mộc Châu; sát với khu dân cư, việc phun thuốc bảo vệ thực vật trong trồng chè cũng ảnh hướng đến sức khỏe của nhân dân cùng như gây ô nhiễm môi trường phát triển du lịch; hiệu quả sử dụng đất của nhiều cánh đồng chè còn thấp, cần phải được chuyển đổi phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực sang ngành nghề khác để nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất.
Đồng thời việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các loại cây ( trong đó có cây chè, diện tích rau, hoa) cho phù hợp với quy hoạch phát triển vùng lõi của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu là cần thết; phù hợp với su thế và quy luật phát triển chung.
Bốn là: Mối quan hệ giữa phát triển du lịch với Văn hóa: Văn hoá là nội dung, là bản chất đích thực của du lịch, chính những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa đã tạo nên tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch; Theo quan niệm của ngành du lịch, người ta xếp các thành tố văn hoá vào tài nguyên nhân văn cụ thể là: Các di tích lịch sử – văn hoá; hàng lưu niệm; ẩm thực; lễ hội; các trò chơi giải trí; phong tục tập quán; cách ứng xử giao tiếp; tín ngưỡng, tôn giáo; văn học – nghệ thuật. . .
Xét trên một khía cạnh khác: Muốn phát triển du lịch cần phải có một môi trường du lịch tốt, đó là: Tri thức, thông tin xã hội, cách ứng xử, hiểu biết tâm lý du khách…là những động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch. Từ đó, đòi hỏi phải làm thế nào để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tôn tạo, phát triển và khai thác phát huy giá trị văn hóa, lịch sử với quy hoạch phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Năm là: Làm thế nào để tạo được môi trường du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện để thúc đẩy sự hình thành và phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Trên đây là đề dẫn hội thảo khoa học với chủ đề ” Tác động của Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu”.
Ông Hoàng Chí Thức – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La