Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh, với 2 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản; lòng hồ thủy điện Sơn La rộng lớn. Đặc biệt, với 12 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc trưng riêng, có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh...
Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Hiệp hội Du lịch tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Liên kết hỗ trợ hội viên trong đầu tư những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 triệu 110 nghìn lượt khách du lịch, vượt 5,4% so với kế hoạch năm 2023; doanh thu đạt 4.310 tỷ đồng, vượt 33,2% so với kế hoạch năm 2023; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu lần thứ 2 được vinh danh “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Việt Nam và châu Á 2023”...
Đến với huyện Mộc Châu, du khách còn được tham quan, trải nghiệm hái dâu tây và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tây tại vườn của Chimi Farm, Hoa Mộc Châu Farm; thăm vườn mận, vườn mơ mùa ra hoa và hái quả tại thung lũng mận Nà Ka; trải nghiệm chăm sóc bò sữa tại Trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm; các hoạt động khám phá, trải nghiệm trên những cánh đồng chè và tham gia các hoạt động tại khu chợ đêm và phố đi bộ.
Tới Khu du lịch Happy Land Mộc Châu, ngoài được ngắm thế giới các loài hoa, du khách còn được trải nghiệm làm nông dân, như chăn cừu, dê, cưỡi ngựa, đua ngựa, chăm thỏ; trải nghiệm chợ phiên vùng cao; làm cơm lam; giã bánh dày... Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Happy land Mộc Châu, cho biết: Happy Land Mộc Châu luôn chú trọng phát triển các sản phẩm theo xu hướng du lịch mới, gần gũi thiên nhiên, gắn với nông nghiệp vùng cao. Du khách được nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ và trải nghiệm nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Thái, Mông... Chúng tôi đang nỗ lực, cố gắng để đa dạng sản phẩm du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, khác biệt.
Đến huyện Bắc Yên, du khách được trải nghiệm quá trình sản xuất chè của đồng bào dân tộc Mông tại bản Mống Vàng và bản Chung Chinh, xã Tà Xùa và săn mây trên đỉnh Tà Xùa; gặt đập lúa trên các thửa ruộng bậc thang tại xã Xím Vàng... Tới xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống với những ngôi nhà sàn cổ lợp gỗ pơ mu trăm năm tuổi, tắm khoáng nóng, ngắm mùa vàng cánh đồng Mường Chiến, mùa hoa sơn tra. Đến Quỳnh Nhai, lênh đênh trên những chiếc thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thưởng thức những điệu múa, tiếng đàn tính và ẩm thực của đồng bào Thái trắng...
Chị Hoàng Thu Hà, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tại các khu, điểm du lịch của Sơn La, ngày càng có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực rất hấp dẫn. Nhiều công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa, những chai nước nhựa được thay bằng chai thủy tinh; khuôn viên với hệ thống cây xanh, hoa, cây cảnh đẹp mắt, tạo bầu không khí trong lành.
Đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết thêm: Thời gian tới, tỉnh Sơn La cần thể chế hóa những cơ chế, chính sách, quy định về quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí phát triển du lịch xanh để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh và tại các khu, điểm du lịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; khôi phục, tôn tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa, giá trị di tích lịch sử...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0 trong xây dựng, quảng bá sản phẩm, liên kết phát triển các tour du lịch giữa các khu, điểm, vùng du lịch. Nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm du lịch xanh theo hướng độc đáo, hấp dẫn, không trùng lặp và luôn làm mới các sản phẩm dịch vụ, thu hút du khách...