Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại đại hội. Ảnh TITC
Tới dự đại hội có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Tạ Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ); Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV, đến nay tổng số hội viên chính thức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng gấp 3 lần từ 3.200 doanh nghiệp năm 2017 lên hơn 10.000 doanh nghiệp. Số hội viên cá nhân là gần 16.000 người (phần lớn là các đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch, bartender... ) và hàng trăm hội viên liên kết là các tổ chức, cá nhân thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Hiệp hội đã duy trì và phát triển 16 đơn vị trực thuộc, đã phát triển được 3 liên chi hội (liên chi hội hướng dẫn viên, liên chi hội đầu bếp, liên chi hội du lịch golf), một số câu lạc bộ (câu lạc bộ du lịch cộng đồng, câu lạc bộ du lịch MICE), liên minh kích cầu du lịch nội địa.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy tham dự đại hội. Ảnh TITC
Giai đoạn 2017-2022, Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp thành viên đã triển khai nhiều hoạt động như: Tham gia, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Luật Du lịch năm 2017; tuyên truyền thực hiện Luật Du lịch 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan; ban hành Chương trình hành động của Hiệp hội thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Lắng nghe, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng, giải pháp sáng kiến của doanh nghiệp du lịch, của các Chi hội du lịch, kịp thời phản ánh, trao đổi, đề xuất với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, với chính quyền các cấp về những vấn đề phát sinh, những khó khăn cần tháo gỡ, những dự báo cần quan tâm...
Công tác phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường khách tiếp tục được Hiệp hội thúc đẩy thông qua việc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo mang thương hiệu của địa phương đồng thời quan tâm làm mới sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, du lịch. Trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển khu, điểm du lịch cộng đồng, chương trình du lịch khám phá và nghỉ dưỡng, du lịch biến, đảo. Lấy định hướng phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm, du lịch xanh, bảo vệ môi trường, an toàn cho du khách làm tiêu chí để đánh giá các sản phẩm du lịch. Tham gia, tổ chức các lễ hội, festival, Năm du lịch quốc gia, hội chợ trong nước và quốc tế. Tổ chức thành công 4 kỳ Hội chợ VITM tại Hà Nội và VITM lần đầu tiên tại Cần Thơ.
Toàn cảnh đại hội. Ảnh TITC
Năm 2020 và 2021 khi ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cùng với Hiệp hội Du lịch các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng, tổ chức chương trình kích cầu du lịch nội địa với các sản phẩm du lịch đã được làm mới, điều chỉnh theo hướng giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn.
Trước thực trạng môi trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác thải, rác thải nhựa, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai Chương trình “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường” tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phiên tham luận tại đại hội. Ảnh TITC
Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiệp hội trong việc đồng hành, sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch và hoạt động phát triển du lịch trong cả nước cũng như các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Để phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ IV và đạt được các mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ V (2022-2027), Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động quản lý và phát triển du lịch Việt Nam một cách bền vững trong thời gian tới; Luôn chủ động trong các hoạt động đề xuất và tư vấn về chính sách, hỗ trợ phát triển thị trường, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe cũng như đồng hành trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần tiếp tục thể hiện vai trò là chỗ dựa vững chắc của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân là thành viên của Hiệp hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, các thành viên Hiệp hội; Định hướng, hỗ trợ và liên kết các thành viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững trong phát triển du lịch, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V. Ảnh TITC
Tại đại hội, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận về xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu mới sau đại dịch Covid-19; xu hướng mới trong đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; thực trạng và giải pháp khôi phục nguồn nhân lực ngành khách sạn; liên kết để phát triển, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp tại các vùng miền du lịch trong cả nước.
Ông Vũ Thế Bình, tân Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh TITC
Đại hội đã bầu 87 đại biểu vào Ban Chấp hành và 5 đại biểu vào Ban Kiểm tra Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V (2022-2027). Ông Hoàng Chí Thức – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Sơn La tiếp tục được bầu tái cử tham gia Ban chấp hành Hiệp hội du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V (2022-2027). Tại phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam bầu ông Vũ Thế Bình là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo Trang Thông tin Tổng Cục Du lịch Việt Nam